• Cam kết hàng chính hãng
  • Giao hàng toàn quốc
  • Đổi trả hàng trong 7 ngày
  • Thanh toán khi nhận hàng

Hỗ trợ trực tuyến

  • Tư vấn sức khỏe 1

    0913 819 338

  • Tư vấn sức khỏe 2

    (0252) 3 824 971

Bệnh tim mạch

  •  

Thuốc ức chế men chuyển trong điều trị các bệnh tim mạch

9/11/2016 2366 Đã xem

Hơn 30 năm kể từ khi Captopril – thuốc ức chế men chuyển đầu tiên được đưa vào điều trị trên lâm sàng, ngày nay các thuốc ức chế men chuyển vẫn được xem là lựa chọn đầu bảng để điều trị các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim… Vậy thuốc ức chế men chuyển mang lại lợi ích gì? Trong quá trình sử dụng cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị cao nhất? Đó là băn khoăn của không ít người bệnh khi được bác sĩ chỉ định loại thuốc này. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên. 

Thuốc ức chế men chuyển giúp hạ huyết áp như thế nào?

Các thuốc này hoạt động bằng cách ức chế enzym tham gia vào quá trình chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II – một chất gây co mạch và kích thích vỏ thượng thận sản xuất hormon aldosterol gây giữ nước làm tăng huyết áp trong cơ thể, nhờ vậy thuốc có tác dụng hạ áp hiệu quả.

Hầu hết tên gọi của các thuốc nhóm này đều được kết thúc bằng đuôi “pril” như Perindopril (Coversyl), Captopril (Capoten), Enalapril (Renitec)…

 

Thuốc ức chế men chuyển được ưu tiên chỉ định trong điều trị tăng huyết áp

Thuốc ức chế men chuyển được ưu tiên chỉ định trong điều trị tăng huyết áp

Thuốc ức chế men chuyển được chỉ định trong trường hợp nào?

Đây là nhóm thuốc ưu tiên chỉ định cho người bệnh cao huyết áp, ngoài ra thuốc ức chế men chuyển được dùng trong những trường hợp khác như:

- Suy tim: Huyết áp giảm sẽ khiến tim làm việc dễ dàng hơn để co bóp tống máu đi nuôi cơ thể khi tim bị suy yếu, nhờ vậy thuốc có thể làm chậm lại tiến triển suy tim và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

- Nhồi máu cơ tim: một số thuốc giúp ngăn ngừa tổn thương tim do thiếu máu và tăng khả năng phục hồi của người bệnh sau nhồi máu cơ tim.

- Bệnh thận do đái tháo đường: thuốc ức chế men chuyển có thể làm chậm tiến triển của biến chứng suy thận trên người bệnh tiểu đường tuýp 2.

- Phòng bệnh tim mạch: đối với người bệnh có nguy cơ cao, các thuốc ức chế men chuyển giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện cơnđau tim và đột quỵ.

 

Đối tượng không nên dùng thuốc ức chế men chuyển

- Phụ nữ có thai và cho con bú: không nên dùng các thuốc ức chế men chuyển, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ bởi thuốc có thể gây dị tật thai nhi hoặc thai chết lưu.

- Trẻ em: có thể sử dụng các thuốc nhóm này, tuy nhiên cần hết sức thận trọng bởi trẻ nhỏ thường nhạy cảm với những tác động của thuốc trên huyết áp nên nguy cơ gặp tác dụng phụ cũng cao hơn.

Cách sử dụng thuốc ức chế men chuyển hiệu quả

Các thuốc ức chế men chuyển thường được uống trước khi ăn 1 giờ. Tùy thuộc vào từng loại thuốc và tình trạng bệnh của bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng, số lần sử dụng trong ngày khác nhau. Trong quá trình sử dụng các thuốc này, bạn cần được kiểm tra huyết áp và chức năng gan, thận thường xuyên.

Không bao giờ được ngừng thuốc đột ngột mà không được sự đồng ý của bác sĩ, ngay cả khi bạn cảm thấy dường như thuốc không có tác dụng với bệnh của mình. Đặc biệt trong điều trị suy tim, các triệu chứng ho, phù , mệt mỏi… có thể không được cải thiện ngay lập tức nhưng về lâu dài thuốc có thể ngăn ngừa suy tim tiến triển nặng hơn.

Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển

Nhìn chung thuốc nhóm này thường khá an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp tác dụng không mong muốn bao gồm:

- Ho khan: là tác dụng phụ thường gặp nhất nhưng chỉ có khoảng 8% người bệnh ho nhiều tới mức phải ngừng thuốc và thay thế bằng nhóm thuốc hạ áp khác.

- Phát ban: nếu xuất hiện các vết đỏ, ngứa trên da, hãy liên hệ với bác sĩ và không được tự ý điều trị phát ban này.

- Chóng mặt, choáng váng, ngất: do hạ áp quá mức, thường xuất hiện sau liều đầu tiên đặc biệt là khi phối hợp với thuốc lợi tiểu. Khi đó, bạn hãy từ từ chuyển sang tư thế ngồi hoặc nằm  xuống.

- Giảm khả năng vị giác, vị kim loại trong miệng: triệu chứng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và nhanh chóng mất đi khi bạn tiếp tục dùng thuốc.

- Rối loạn tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy kéo dài có thể gây mất nước nghiêm trọng với biểu hiện mắt trũng sâu, da nhăn nheo, cơ thể yếu mệt… Các triệu chứng này có thể để được cải thiện nếu bạn uống nước nhiều hơn.

- Phù mạch: đây là tác dụng phụ nguy hiểm của các thuốc ức chế men chuyển. Bạn có thể nhận biết biểu hiện của phù mạch qua các triệu chứng như sưng cổ họng, mặt, lưỡi…

- Tăng kali máu: là một biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Vì vậy, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc ức chế men chuyển nào, bạn cần được xét nghiệm máu thường xuyên để đo nồng độ kali huyết. Các dấu hiệu của dư thừa kali trong cơ thể bao gồm lú lẫn; nhịp tim không đều; tê hoặc ngứa ở bàn tay, bàn chân, môi; khó thở…

Ngoài ra, các thuốc này còn gây ra các tác dụng không mong muốn khác như đau họng, sốt, lở loét, bầm tím thất thường… Tốt nhất bạn hãy liên lạc với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên để có hướng xử trí thích hợp.

 

Ho khan là tác dụng phụ thường gặp của nhóm ức chế men chuyển

Ho khan là tác dụng phụ thường gặp của nhóm ức chế men chuyển

Tương tác cần lưu ý khi sử dụng các thuốc ức chế men chuyển

Với thuốc khác:

- Các thuốc kháng viêm không steroid (Aspirin, Ibuprofen, Naproxen…): có thể gia tăng giữ muối và nước trong cơ thể, do đó làm giảm tác dụng hạ áp của thuốc ức chế men chuyển.

- Thuốc lợi tiểu và các thuốc hạ áp khác: có thể hiệp đồng tác dụng gây hạ áp quá mức.

- Thuốc lợi tiểu giữ kali (Amiloride, Spironolactone, Triamterene…): có thể làm tăng nồng độ kali huyết quá mức.

Do đó, bạn cần thông báo cho bác sĩ về bất cứ loại thuốc nào đang sử dụng, chỉ định giảm liều hoặc thay đổi thuốc sẽ được tiến hành để giảm thiểu tương tác có thể xảy ra.

Với thức ăn:

 Sử dụng thuốc cùng với thực phẩm giàu kali như chuối, nước cam, các loại rau họ cải như cải bó xôi, súp lơ, bắp cải… có thể tăng kali huyết quá mức. Do đó, bạn cần chú ý hạn chế đưa các thực phẩm này và các muối có thành phần kali vào chế độ ăn hằng ngày.

Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc ức chế men chuyển nào, bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin về loại thuốc đó và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời hãy theo dõi đáp ứng của cơ thể để tránh tác dụng không mong muốn và tương tác của thuốc khi sử dụng dài ngày.

DS.Lê Lương, http://suytim.com.vn/

Tham khảo:

http://www.webmd.com/heart-disease/guide/medicine-ace-inhibitors

http://www.bloodpressureuk.org/BloodPressureandyou/Medicines/Medicinetypes/ACEInhibitors

https://www.drugs.com/interactions-check.php?drug_list=1146-0,1830-0

Top
X

Xem Fanpage của chúng tôi.

Để lại lời nhắn cho chúng tôi!