• Cam kết hàng chính hãng
  • Giao hàng toàn quốc
  • Đổi trả hàng trong 7 ngày
  • Thanh toán khi nhận hàng

Hỗ trợ trực tuyến

  • Tư vấn sức khỏe 1

    0913 819 338

  • Tư vấn sức khỏe 2

    (0252) 3 824 971

Tư vấn du học

  •  

TƯ VẤN DU HỌC TẠI BÌNH THUẬN - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

4/26/2017 4572 Đã xem

1. Giới thiệu

Trong xu thế toàn cầu hóa và giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, tỷ lệ học sinh sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thấp,  thu nhập không đủ trang trãi cuộc sống… nên du học là con đường được nhiều người lựa chọn. Tại các thành phố, các bậc phụ huynh đã bắt kịp xu hướng du học để tạo điều kiện cho con em mình đến gần với nền giáo dục của các đất nước phát triển, thậm chí ở các vùng nông thôn, phụ huynh vẫn quyết tâm lo liệu cho con du học dù điều kiện kinh tế  của nhiều gia đình còn nhiều khó khăn, khiến cho du học  trở thành trào lưu phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Theo thống kê của trang www.globalvisas.com, năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 nước có học sinh, sinh viên du học nhiều nhất thế giới, chỉ sau một số nước như Trung Quốc,  Hàn Quốc, Ấn Độ... Điều này chứng tỏ người Việt đang đầu tư mạnh vào việc cho con du học [1]. Theo thống kê  của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016, Việt Nam có gần 130.000 công dân đang học ở nước ngoài. Quốc gia được lựa chọn du học nhiều nhất là  Nhật Bản với 38.000 người;  sau đó là Úc với 31.000 người, thứ ba là Mỹ với hơn 28.000 người, Trung Quốc 13.000 người, Anh 11.000 người. Trong đó chỉ có 5.500  du học sinh du học theo học bổng còn lại là du học tự túc [2].  Với trào lưu trên, hàng ngàn công ty tư vấn du học đã được thành lập ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Một số tỉnh như Hà Tĩnh cũng có hơn 9 công ty tư vấn du học được cấp phép [3]; Gia Lai  thuộc  khu vực Tây Nguyên cũng có  6 công ty tư vấn du học [4].

Đứng trước thực trạng về việc phát triển một cách nhanh chóng của các công ty tư vấn du học, Chính phủ,  Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục ban hành và bổ sung các  Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn để từng bước chấn chỉnh, quản lý hoạt động tư vấn du học. Tuy nhiên việc triển khai vận dụng các quy định tại mỗi địa phương, mỗi thời điểm có khác nhau cho nên có địa phương việc thành lập và quản lý hoạt động của các công ty tư vấn du học tương đối dễ dàng nhưng cũng có địa phương  việc quản lý hoạt động tư vấn du học quá chặt chẽ hoặc lúng túng trong việc cấp phép hoạt động.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ với dân số khoảng 1.266.228 người (thống kê năm 2013 - nguồn Tổng cục Thống kê Việt Nam truy cập ngày 03/02/2015), thành thị chiếm 40,2%, nông thôn chiếm 59,8% [5]. Là một tỉnh còn nghèo với thu nhập chưa đến 1000 USD/người/năm và với 34 dân tộc anh em cùng chung sống  nhưng với nỗ lực của toàn ngành, hàng năm Bình Thuận có  tỷ lệ đạt tốt nghiệp phổ thông khá cao ( trên 90%).  Đặc biệt trường phổ thông trung học chuyên Trần Hưng Đạo luôn có thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic khu vực phía Nam (năm  2016 xếp thứ 9/64 trường và năm 2017 xếp thứ 5/65 trường) [6].Trong vòng 3 năm từ 2015-2017 có 2 em lọt vào chung kết kỳ thi “ Đường lên đỉnh Olympia” . Với những đặc điểm trên, chắc chắn nhiều phụ huynh của tỉnh Bình Thuận cũng có khát khao cho con em mình được học tập ở nước ngoài. Vậy thực trạng công tác du học ở Bình Thuận hiện nay như thế nào?

2. Thực trạng công tác tư vấn du học tại Bình Thuận

2.1.Thực trạng việc đi du học và công tác tư vấn du học tại Bình Thuận

Với tinh thần hiếu học, vượt lên gian khó mà các phụ huynh của Bình Thuận đã nỗ lực và đầu tư vào việc học tập của con em mình. Họ đã tìm kiếm thông tin qua mạng internet để tìm hiểu và đăng ký cho con em của họ. Một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh tìm hiểu thông tin theo phương thức truyền miệng từ người này chia sẻ, giới thiệu cho người khác qua tình thân bạn bè. Một số trường đại học tư vấn trực tuyến trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận, ngoài công tác tư vấn tuyển sinh họ có lồng ghép tư vấn thêm các chương trình đào tạo ở nước ngoài [7]; một vài trường cao đẳng có tuyển du học sinh như trường Lê Quý Đôn/ Biên Hòa đăng ký tư vấn trực tiếp tại các trường phổ thông trung học; một số công ty tư vấn du học thường đăng ký  tư vấn trực tiếp trong Ngày Hội việc làm tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại Bình Thuận. Ngoài ra, tại Bình Thuận cho đến nay chưa có một công ty tư vấn du học nào được cấp phép hoạt động.

2.2.Những khó khăn thường gặp từ phụ huynh và học sinh khi quyết định cho con đi du học

Trừ những đối tượng có kinh tế khá giả, có mối quan hệ rộng trong xã hội, có việc định hướng cho con du học từ trước nên việc tiếp cận với các công ty tư vấn du học và  việc quyết định cho con em đi du học rất thuận lợi. Qua khảo sát và trao đổi với phụ huynh và học sinh tại các buổi tư vấn du học tại trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, chúng tôi thấy đa phần phụ huynh và học sinh gặp 4 trở ngại chính sau:

2.2.1.Trình độ ngoại ngữ thấp (Tiếng): Với cách đào tạo ngoại ngữ như hiện nay, sau khi tốt nghiệp phổ thông các em có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp được, học tập được thì đó còn là điều xa vời. Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trong những năm gần đây, số học sinh đạt từ điểm trung bình trở lên chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài ra du học sinh còn phải biết phong tục, tập quán, văn hóa của nước sắp đến du học.

2.2.2. Kinh phí (Tiền): Với thu nhập trung bình của người Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng thì đa phần họ không đủ lo cho con em học đủ 4-5 năm đại học tại các trường có uy tín. Ngoài ra còn phải chứng minh nguồn tiền, chứng minh thu nhập rất nhiêu khê nếu không có Ngân hàng và công ty tư vấn du học giúp đỡ.

2.2.3. Không dám vượt qua chính mình (Tình): Không giống như các nước phương Tây, khi đến tuổi trưởng thành con cái phải tự lập. Trong khi ở Việt Nam cha mẹ nuông chiều, chăm lo mọi thứ chỉ để con cái có thời gian học tập. Ngoài thời gian học chính khóa còn lo học thêm, luyện thi nên không có thời gian rèn luyện kỹ năng sống. Họ lo sợ con cái không được ai chăm, sợ khổ và nhất là sợ quen với nếp sống phương Tây mà quên đi những tình cảm gia đình, sợ con học xong không quay về Việt Nam.

2.2.4. Niềm tin (Tin): Hiện nay do có quá nhiều công ty tư vấn du học nhưng công ty nào có phép, công ty nào có uy tín, công ty nào lừa đảo… người dân không thể tự biết được. Muốn họ có niềm tin thì nhất thiết tại địa phương có công ty tư vấn hoạt động hoặc có Văn phòng đại diện để người dân biết  địa chỉ để đến giao dịch. Nhưng rất tiếc hiện nay tại Bình Thuận hầu như  chưa có công ty hay văn phòng đại diện nào được cấp phép và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là nỗi băn khoăn của rất nhiều phụ huynh và học sinh bởi vì 3 khó khăn trên, nếu quyết tâm họ có thể khắc phục được nhưng thiếu niềm tin vào nơi cung cấp dịch vụ thì với số tiền tương đối lớn mà họ vay mượn nên mang tâm lý sợ bị lừa, tiền mất tật mang.

2.3. Những khó khăn từ nhà quản lý:

Hiện nay có một khoảng trống pháp lý mà tùy từng địa phương họ vận dụng rất khác nhau. Có địa phương do có nhiều công ty tư vấn du học hoạt động nên họ có hiểu biết, cập nhật thông tin thường xuyên nên đã tạo điều kiện cho các hoạt động tư vấn du học. Tuy nhiên có địa phương do chưa xúc tiến công việc này nên khoảng trống pháp lý đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc ra quyết định hỗ trợ hoạt động tư vấn du học. Một số khó khăn thường gặp như sau:

2.3.1.Không nắm rõ thời điểm hết hiệu lực thi hành của Quyết định 05/2013: Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo có công văn số 3125/BGD-ĐT ngày 26/8/2016 thông báo: Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 (Luật Đầu tư 2014), theo đó hoạt động dịch vụ tư vấn du học không có tên trong danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014. Căn cứ khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư 2014, các quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ tư vấn du học tại Chương 3 Quyết định số  05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016. Trong khi đó có địa phương chưa nắm được chủ trương trên nên vẫn yêu cầu công ty  muốn mở văn phòng đại diện phải được Sở Giáo dục & Đào tạo cấp phép và phải đóng tiền ký quỹ .

2.3.2.Không nắm rõ nội dung, tinh thần công văn 3125/BGD-ĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo: Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội có công văn số 2970/SGD&ĐT-GDCYTNN ngày 14/7/2016 để hủy hiệu lực tất cả Giấy chứng nhận hoạt động tư vấn du học được cập từ ngày 10/3/2013 đến 30/6/2016. Cũng tương tự như các tỉnh Hà Tĩnh, Gia Lai cũng thông báo tương tự [3,4]. Điều này nói lên rằng hoạt động tư vấn du học không còn là ngành kinh doanh có điều kiện, các công ty đó vẫn tiếp tục hoạt động và tiếp tục chịu sự giám sát của các ngành chức năng chứ không có nghĩa là giấy phép đó hết hiệu lực, không còn giá trị pháp lý, muốn hoạt động phải đăng ký lại.

2.3.3. Khoảng trống pháp lý khi chưa có Nghi định mới: Theo mục 148 Phụ lục 4 ban hành  kèm theo Luật số 3/2016 QH14 do Quốc Hội khóa 14 ban hành  ngày 22/11/2016 và có giá trị từ ngày 01/1/2017 thì tư vấn du học trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng cho đến nay chưa có hướng dẫn áp dụng Quyết định, Nghị định nào để điều chỉnh hoạt động của ngành nghề này [8].

4. Đề xuất giải pháp:

Từ những thực trạng trên, để đẩy mạnh công tác tư vấn du học, tạo sự đồng bộ, nhất quán từ trung ương đến địa phương, tôi xin có vài ý kiến đề xuất sau:

4.1. Đối với chính phủ: phải sớm ban hành Nghị định/ Quyết định thay thế Quyết định 05/2013/QĐ-TTg ngày 15/01/2013 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập để thực hiện theo Luật số 3/2016 QH14 do Quốc Hội khóa 14 ban hành  ngày 22/11/2016 và có giá trị từ ngày 01/1/2017.

4.2. Đối với Bộ Giáo dục & Đào tạo: có công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định/ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho các Sở Giáo dục & Đào tạo trong thời gian sớm nhất.

4.3. Đối với trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh: phải tăng cường và mở rộng đối tượng tuyển sinh các khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Ngoài đối tượng là các công ty tư vấn du học còn phải mở rộng đến các Viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… để tùy theo điều kiện họ có thể   mở trung tâm tư vấn du học hoặc có kiến thức, kinh nghiệm để tiếp cận, đánh giá chất lượng các công ty tư vấn du học đến tư vấn cho sinh viên, học sinh của trường (cách thông báo chiêu sinh). Ngoài ra, cần mở lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động tư vấn du học cho các đối tượng có liên quan, giúp việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được chặt chẽ hơn .

4.4. Đối với Sở Giáo dục & Đào tạo: nếu xem du học nước ngoài là một xu thế mới trong ngành giáo dục và hoạt động tư vấn du học ngày càng nở rộ thì cần bố trí cán bộ chuyên trách ở Sở và Phòng Giáo dục để được bồi dưỡng nghiệp vụ, tham mưu và quản lý công tác này tốt hơn

4.5. Đối với địa phương, cụ thể là tỉnh Bình Thuận, chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp sau:

4.5.1. Tổ chức hội thảo “Xu hướng du học ở nước ngoài – Cơ hội và thách thức” do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận chủ trì, mời chuyên gia của trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh chủ tọa, cố vấn về chuyên môn, dự kiến tổ chức trong quý II/ 2017.

4.5.2. Thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn với chủ đề “ Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du học của học sinh phổ thông trung học tỉnh Bình Thuận năm 2017”, từ đó có những định hướng và giải pháp phù hợp với hoạt động tư vấn du học tại Bình Thuận.

4.5.3. Thông tin đầy đủ, chính xác công tác tư vấn du học tại Bình Thuận qua các kênh truyền thông đại chúng như tư vấn trực tiếp trên Đài Phát thanh & Truyền hình, báo Bình Thuận, đài truyền thanh…  

Trên đây là một số ý kiến nhận xét về công tác tư vấn du học tại một tỉnh mà công tác tư vấn du học còn nhiều hạn chế. Chúng tôi mong muốn rằng công tác tư vấn du học tại Bình Thuận ngày càng phát triển, bắt kịp xu thế chung nhằm đem lại nhiều công bằng, quyền lợi cho học sinh, giải quyết được bài toán đào tạo, việc làm, thu nhập mà hiện nay địa phương nào, trường nào, phụ huynh nào cũng đang lo lắng, trăn trở cho tương lai của con em mình./.

Tài liệu tham khảo

1.      2016, Thực trạng du học ở Việt Nam hiện nay, 17/05/2016, https://halo.edu.vn/thuc-trang-du-hoc-o-viet-nam-hien-nay

2.      Tiến Thành, 2016, Du học sinh Việt Nam đang học tập tại những nước nào?, 02/11/2016, http://vnexpress.net/infographics/giao-duc/du-hoc-sinh-viet-nam-dang-hoc-tap-tai-nhung-nuoc-nao-3493240.html

3.      Anh Thư, 2016, Chấn chỉnh công tác tư vấn du học, bảo vệ quyền lợi lưu học sinh, 10/3/16, https://www.baomoi.biz/chan-chinh-cong-tac-tu-van-du-hoc-bao-ve-quyen-loi-luu-hoc-sinh-18848388.html

4.      2017, Gia Lai: 6 đơn vị đăng ký hoạt động tư vấn du học với Sở GD&ĐT, 17/3/2017

https://www.baomoi.biz/gia-lai-6-don-vi-dang-ky-hoat-dong-tu-van-du-hoc-voi-so-gddt-21870760.html

5.      2017, Bình Thuận Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, 20/3/2017, https://vi.wikipedia.org/wiki/Binh thuan

6.      TT, 2017, Kỳ thi Olympic 30/4: Trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo đoạt 25 HCV, 13 HCB, 10/4/2017, 10/4/2017, http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/ky-thi-olympic-30-4-truong-thpt-chuyen-tran-hung-dao-doat-25-hcv-13-hcb-96000.html

7.      2015, OSI  Việt Nam tham gia cùng Báo Thanh Niên Tư vấn Mùa thi tại Bình Thuận, 24/3/2015, http://osivietnam.com/xem/osi-vietnam-tham-gia-cung-bao-thanh-nien-tu-van-mua-thi-tai-binh-thuan-142?rf=1

8.      2016, Luật số: 03/2016/QH14 22 tháng 11 năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư,12/12/2016, https://vndoc.com/luat-03-2016-qh14-sua-doi-phu-luc-4-ve-danh-muc-nganh-nghe-dau-tu-kinh-doanh-co-dieu-kien/download

 Nguyễn Văn Năm - Thạc sỹ- Bác sỹ- Giảng viên chính

Trưởng phòng Công tác Chính trị HSSV -  Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận

ĐT:0913819338. Email: namnguyenbt@yahoo.com.vn

Văn phòng tại Bình Thuận: 241 Nguyễn Hội, Phan Thiết

Top
X

Xem Fanpage của chúng tôi.

Để lại lời nhắn cho chúng tôi!