• Cam kết hàng chính hãng
  • Giao hàng toàn quốc
  • Đổi trả hàng trong 7 ngày
  • Thanh toán khi nhận hàng

Hỗ trợ trực tuyến

  • Tư vấn sức khỏe 1

    0913 819 338

  • Tư vấn sức khỏe 2

    (0252) 3 824 971

Tư vấn bệnh tiểu đường

  •  

Những nguyên nhân làm thay đổi đường huyết của bạn

8/29/2016 2254 Đã xem
Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose – một loại đường đơn – có trong máu. Nồng độ glucose trong máu thay đổi liên tục trong ngày, thậm chí khác nhau từng phút. Đường huyết là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá bệnh tiểu đường. Một số yếu tố sau đây sẽ có tác động rất lớn đối với đường huyết của bạn và cần lưu ý để có thể kiểm soát tốt chỉ số này.

Tăng đường huyết: Cà phê

 

Đường huyết của bạn có thể tăng lên sau khi bạn uống cà phê – ngay cả khi đó là cà phê đen không chứa calo – nguyên nhân là do thành phần caffein. Những loại đồ uống khác cũng có cơ chế tương tự đó là trà đen, trà xanh và nước tăng lực. Mỗi bệnh nhân tiểu đường có phản ứng với thức ăn và đồ uống một cách khác nhau, do vậy biện pháp tốt nhất là phải theo dõi chặt chẽ xem đáp ứng của cơ thể bạn như thế nào. Tuy nhiên có một sự thật thú vị là một số hợp chất khác trong cà phê có thể giúp ngăn ngừa tiểu đường type 2 ở những người khỏe mạnh.

Tăng đường huyết: Thực phẩm không đường

 

Có thể nhiều người khá thắc mắc tại sao nhiều loại thực phẩm không đường vẫn có thể làm tăng đường huyết của bạn? Lý do là bởi chúng vẫn chứa rất nhiều các loại carb từ tinh bột. Do vậy, hãy kiểm tra hàm lượng carbohydrate tổng trên nhãn trước khi ăn bất cứ loại thực phẩm nào. Bạn cũng nên hết sức lưu ý đến các loại đường rượu như sorbitol và xylitol. Chúng là những loại đường tạo vị ngọt và chứa ít carb hơn đường tự nhiên (sucrose) nhưng vẫn có thể làm tăng đường huyết của bạn.

Tăng đường huyết: Đồ ăn Trung Hoa

 

Bạn bước vào một nhà hàng Trung Hoa và thoải mái thưởng thức món bò tẩm vừng cũng như gà chua ngọt và đinh ninh rằng chúng không chứa tinh bột nên không thể làm tăng đường huyết. Tuy nhiên bạn cần nhớ rằng không chỉ có cơm gạo trắng là có thể gây nên vấn đề này đâu. Các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao có thể khiến đường huyết của bạn ở ngưỡng cao trong khoảng thời gian lâu hơn. Một số loại khác như bánh pizza, khoai tây chiên chứa nhiều carb và chất béo cũng gây ra hiện tượng tương tự. Hãy kiểm tra đường huyết của bạn 2 tiếng sau ăn để biết được mỗi loại thực phẩm có ảnh hưởng thế nào với cơ thể bạn.

Tăng đường huyết: Khi bị cảm lạnh

 

Đường huyết của bạn sẽ tăng khi cơ thể bạn đang phải chiến đấu với một căn bệnh nào đó. Hãy uống đủ nước và các loại đồ uống khác để giúp cơ thể không bị mất nước. Cần thông báo cho bác sỹ ngay nếu bạn bị tiêu chảy hay nôn mửa kéo dài hơn 2 giờ hoặc nếu bạn bị ốm và vẫn không có dấu hiệu khá hơn sau 2 ngày. Cần lưu ý rằng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh và thuốc trị nghẹt mũi cũng có thể ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn.

Tăng đường huyết: Stress công việc

 

Bạn cảm thấy quá tải hay không vui vẻ trong công việc? Khi bạn cảm thấy căng thẳng, stress, cơ thể sẽ giải phóng ra hormon có thể làm tăng đường huyết. Hiện tượng này rất hay gặp ở những người mắc tiểu đường type 2. Do vậy, điều quan trọng là bạn cần phải học cách thư giãn bằng cách thở sâu và tập luyện thể dục, thể thao. Ngoài ra, hãy thử một số biện pháp giúp giải tỏa stress nếu có thể.

Tăng đường huyết: Bánh vòng

 

Bạn có biết điểm khác nhau giữa một lát bánh mỳ trắng và một chiếc bánh vòng là gì hay không? Bánh vòng có chứa nhiều carbohydrate hơn so với một lát bánh mỳ và dĩ nhiên là cũng nhiều calo hơn. Do vậy, nếu có thèm ăn bánh vòng thì chỉ nên ăn một mẩu nhỏ thôi nhé.

Tăng đường huyết: Đồ uống thể thao

 

Đồ uống thể thao có thể giúp bạn bù nước nhanh chóng cho cơ thể nhưng một số loại lại có chứa lượng đường nhiều tương đương với soda. Nước lọc có lẽ là tất cả những gì bạn cần nếu chỉ luyện tập ở cường độ trung bình dưới 1 giờ. Đồ uống thể thao có thể phù hợp trong trường hợp luyện tập lâu hơn và với cường độ cao hơn. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc thể thao để xem lượng calo, carb và khoáng chất có an toàn với bạn hay không.

Tăng đường huyết: Trái cây sấy khô

 

Trái cây là lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe nhưng lưu ý rằng trái cây sấy khô có chứa hàm lượng carbohydrate cao hơn trong mỗi khẩu phần. Chỉ hai thìa cà phê nho khô, nam việt quất sấy khô hay anh đào khô đã có hàm lượng carb tương đương với một miếng nhỏ trái cây.

Tăng đường huyết: Steroid và thuốc lợi tiểu

 

Một số loại corticosteroid như prednisolon được sử dụng để điều trị phát ban, viêm khớp, hen phế quản và nhiều căn bệnh khác. Tuy nhiên, bản thân chúng cũng có thể làm tăng đường huyết của bạn và thậm chí gây bệnh tiểu đường ở một số đối tượng. Các loại thuốc lợi tiểu giúp kiểm soát huyết áp cũng có tác động tương tự. Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm tăng hoặc hạ đường huyết.

Tăng đường huyết: Thuốc cảm

 

Các loại thuốc trị nghẹt mũi có chứa pseudoephedrine hay phenylephrine có thể làm tăng đường máu. Các loại thuốc trị cảm lạnh đôi khi cũng có chứ một chút đường hoặc rượu trong thành phần, do vậy cần kiểm tra kỹ nhãn thuốc trước khi sử dụng. Các thuốc kháng histamine không gây ra vấn đề gì đối với đường huyết. Hãy hỏi dược sỹ về các tác dụng có thể gặp của một số loại thuốc không kê đơn trước khi bạn mua chúng.

Thận trọng: Thuốc tránh thai

 

Loại thuốc có chứa estrogen có thể ảnh hưởng đến cơ chế sử dụng insulin của cơ thể. Nói chung thì các thuốc tránh thai đường uống vẫn khá an toàn đối với những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo nên sử dụng viên tránh thai dạng kết hợp giữa norgestimate và estrogen tổng hợp. Ngoài ra thuốc tránh thai dạng tiêm và que tránh thai cấy dưới da vẫn được coi là an toàn đối với phụ nữ mắc phải căn bệnh này, mặc dù chúng có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết của bạn.

Hạ đường huyết: Làm công việc vặt trong nhà

 

Lau dọn nhà cửa hoặc cắt xén cỏ trong vườn có tác động tích cực đối với những bệnh nhân tiểu đường: đó là giúp hạ đường huyết. Nhiều công việc lặt vặt bạn làm hàng ngày cũng được tính như các hoạt động thể lực cường độ trung bình với nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn cũng có thể đi dạo xung quanh các cửa hàng mua sắm hoặc khi đậu xe chọn chỗ đậu xa cửa chính để có thể đi bộ được nhiều hơn. Chỉ cần vận động như vậy mỗi ngày cũng đủ để tạo ra sự khác biệt.

Hạ đường huyết: Sữa chua

 

Sữa chua có chứa rất nhiều lợi khuẩn còn gọi là probiotic. Probiotic có thể cải thiện quá trình tiêu hóa và giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết của bạn. Một số loại sữa chua có bổ sung thêm đường và trái cây, do vậy cần thận trọng khi tính hàm lượng carb. Lựa chọn tốt nhất đối với bạn vẫn là sữa chua trắng không đường.

Hạ đường huyết: Ăn chay

 

Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh tiểu đường type 2 khi chuyển sang chế độ ăn chaysẽ có khả năng kiểm soát đường huyết tốt hơn và cần sử dụng ít insulin hơn. Bổ sung nhiều chất xơ đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó giúp làm chậm lại quá trình tiêu hóa carb. Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu khác để chứng minh việc ăn chay liệu có thực sự hiệu quả đối với bệnh nhân tiểu đường hay không. Hãy trao đổi với bác sỹ trước khi bạn quyết định thay đổi chế độ ăn của mình.

Thực phẩm có lợi: Quế

 

Một chút bột quế vào món ăn có thể giúp tăng thêm hương vị mà không bổ sung quá nhiều năng lượng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng quế còn có thể giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn và giúp hạ đường huyết ở một số bệnh nhân mắc tiểu đường type 2. Các bác sỹ cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được chính xác cơ chế tác dụng của quế. Ngoài ra cần lưu ý rằng sử thực phẩm chức năng chứa quế với hàm lượng cao có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi quyết định có sử dụng quế hay không.

Thận trọng: Giấc ngủ

 

Đường huyết có thể hạ thấp đáng kể trong giấc ngủ đối với một số bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt nếu họ có sử dụng insulin. Tốt nhất là nên kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ và khi thức dậy. Trong trường hợp cần thiết, có thể ăn nhẹ trước khi ngủ. Một số người có thể bị tăng đường huyết vào buổi sáng – ngay cả trước khi ăn sáng – do sự thay đổi nồng độ hormon hay do giảm nồng độ insulin. Do vậy việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là vô cùng quan trọng.

Thận trọng: Tập luyện

 

Hoạt động thể dục thể thao có tác động rất tích cực đối với sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên điều chỉnh cường độ vận động cho phù hợp với bản thân của mỗi người. Khi bạn vận động nhiều đến mức vã mồ hôi và nhịp tim tăng cao, đường huyết của bạn có thể tăng rồi lại hạ xuống. Các bài luyện tập sức bền hay cường độ cao có thể khiến đường huyết hạ ít nhất trong vòng 24 giờ sau đó. Ăn nhẹ trước khi luyện tập có thể giúp phòng tránh tình trạng này. Nên kiểm tra đường huyết trước, trong và sau khi luyện tập.

Thận trọng: Rượu

 

Rượu có chứa nhiều carb, do vậy ban đầu chúng sẽ làm tăng đường huyết của bạn. Tuy nhiên nồng độ đường máu có thể sẽ giảm khoảng 12 giờ sau khi uống. Tốt nhất là chỉ nên uống rượu trong khi ăn và nhớ kiểm tra đường huyết. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ khuyên rằng không nên tiêu thụ nhiều hơn 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới. Một ly ở đây tương đương với 150 ml rượu vang, 355 ml bia hay 45 ml rượu nặng như vodka hoặc whiskey.

Thận trọng: Nắng nóng

 

Khi thời tiết nắng nóng gay gắt thì tốt nhất là nên ngồi trong nhà có điều hòa. Nhiệt độ cao sẽ khiến đường huyết của bạn khó kiểm soát hơn. Bạn nên kiểm tra thường xuyên và uống nhiều nước để tránh bị mất nước. Nhiệt độ quá nóng còn có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc, thiết bị đo đường huyết và cả các que thử.. Do vậy không nên bảo quản chúng ở nơi quá nóng.

Thận trọng: Hormon sinh dục nữ

 

Khi lượng hormon của một phụ nữ thay đổi thì đường huyết của người đó cũng sẽ thay đổi theo. Hãy theo dõi đường huyết hàng tháng trong mỗi chu kỳ để biết được chu kỳ kinh nguyệt có ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào. Sự dao động của hormon trong giai đoạn mãn kinh có thể khiến đường huyết khó kiểm soát hơn. Hãy trao đổi với bác sỹ xem sử dụng liệu pháp thay thế hormon có phfu hợp với bạn không.

Liệu đường có hoàn toàn có hại cho sức khỏe của bạn?

 

Nếu bạn là tín đồ hảo ngọt thì cũng đừng nên thất vọng bởi bạn không phải loại bỏ hết những thực phẩm chứa nhiều đường ngay cả khi bị tiểu đường. Đường sẽ làm tăng đường huyết nhanh chóng hơn những loại carb khác nhưng theo các chuyên gia tổng lượng carb mới là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, bạn vẫn có thể ăn những thực phẩm chứa đường nhưng với khẩu phần nhỏ hơn và chú ý theo dõi hàm lượng carb cũng như năng lượng.

Chỉ số đường huyết là gì?

 

Tổng lượng carb nạp vào cơ thể mỗi ngày của bạn là một trị số giúp kiểm soát tốt đường huyết. Một số người khác cũng sử dụng chỉ số đường huyết (glycemic index – GI).  Chỉ số này sẽ đo lường xem lượng carbohydrate trong một loại thực phẩm nhất định ảnh hưởng nhanh hay chậm đến lượng đường huyết trong cơ thể bạn, so sánh với glucose hoặc bánh mỳ trắng (là những loại thực phẩm được coi là có chỉ số GI là 100). Các loại đậu, bánh mỳ nguyên cám và ngũ cốc có chỉ số GI thấp hơn so với bánh mỳ trắng và mỳ ống. Nước trái cây có chỉ số GI cao hơn so với hoa quả tươi. Bạn có thể lựa chọn những thực phẩm có GI thấp xen kẽ với những thứ có GI cao để giúp cân bằng đường huyết của cơ thể.

Ths. Hồng Khánh - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Webmd

 

Top
X

Xem Fanpage của chúng tôi.

Để lại lời nhắn cho chúng tôi!