Hầu hết lớp người cao tuổi đang sống hiện nay ở nước ta đều đã trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và anh dũng của dân tộc. Những năm đầu sau chiến tranh, họ tiếp tục sống trong điều kiện của nền kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, sức khỏe giảm sút, hầu như không có gì để tích lũy nên về già càng khó khăn và phải lệ thuộc vào con cháu
Thêm vào đó, dưới tác động của cơ chế thị trường, điều kiện chăm sóc người cao tuổi chưa tốt; nhiều khi con cái mải lo làm ăn kiếm tiền, bỏ mặc người già và trẻ em ở nhà chăm sóc lẫn nhau. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, những mô hình chăm sóc người cao tuổi như: trợ cấp xã hội hoặc các khoản ưu đãi khác cho người già không nơi nương tựa, người già không có lương hưu; xây dựng nhà dưỡng lão để chăm sóc những người có công; lập các trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng người già cô đơn, không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, các đoàn thể và tổ chức xã hội như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm cũng tổ chức các hoạt động trợ giúp phong phú như: triển khai trung tâm chăm sóc người già nội trú, nhận chu cấp kinh phí để phụng dưỡng trọn đời, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ chăm sóc, chữa bệnh... cho người cao tuổi.
Tuy vậy, số đối tượng được giúp đỡ vẫn còn ít so với số người già đang gặp khó khăn hiện nay, trong khi đó tỉ lệ người cao tuổi theo tháp dân số ngày một gia tăng. Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế một số mô hình chăm sóc người cao tuổi ở các nước Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc và Singapore, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi trực thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (gọi tắt là RECAS) đã lựa chọn mô hình “Chăm sóc người cao tuổi tại nhà” để áp dụng ở nước ta. Đây là một mô hình dễ thực hiện, ít tốn kém và phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm chăm sóc người cao tuổi bị ốm đau, bệnh tật; người già cô đơn gặp khó khăn. Cách làm này vừa phát huy được truyền thống “Tương thân tương ái”, “Kính lão đắc thọ”, “Uống nước nhớ nguồn”, vừa phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của người cao tuổi là muốn được sống tại chính ngôi nhà thân yêu của mình cho đến cuối đời.
Bắt đầu từ năm 1993, RECAS đã thiết kế và áp dụng hình thức: “Chăm sóc hay phục vụ tại nhà” do nhân viên dịch vụ thực hiện và đến năm 2003 áp dụng thêm hình thức “Chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà” do tình nguyện viên thực hiện. Đối với hình thức thứ nhất, nhân viên dịch vụ chăm sóc tại nhà được coi là một nghề. Họ hoạt động có tính chuyên nghiệp, được trả lương nên được đào tạo dài ngày với nhiều nội dung phong phú hơn. Từ năm 1995 đến 2009, RECAS đã tuyển dụng và đào tạo được 1.073 nhân viên để chăm sóc cho 6.176 lượt người cao tuổi. Mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ các thành viên gia đình vừa làm tròn đạo lý “phụng dưỡng cha mẹ già” vừa giúp họ có thể yên tâm học tập, công tác.
Với hình thức thứ hai, tình nguyện viên chăm sóc, hỗ trợ tại nhà có thể là hội viên các đoàn thể; bà con; người họ hàng hoặc hàng xóm tự nguyện đến tận nhà người già cô đơn, khó khăn để giúp đỡ từ 3-5 buổi/tuần. Tình nguyện viên trợ giúp người cao tuổi hoàn toàn tự nguyện, không hưởng lương nhưng phải có cam kết hoạt động trong một tổ chức với thời hạn nhất định, có qui chế, có kế hoạch và cũng phải được đào tạo tối thiểu 20 tiết/khóa học. Đây chính là mô hình mà chúng tôi cho là có hiệu quả nhất và cần phải duy trì và nhân rộng ở Việt Nam.
Từ năm 2003, thông qua nhiều dự án mà RECAS đã triển khai, bên cạnh việc xây dựng các câu lạc bộ giúp người cao tuổi tập luyện, nâng cao sức khỏe, xóa đói giảm nghèo thì người già cô đơn khó khăn trong cộng đồng cũng đã được mạng lưới Tình nguyện viên chăm sóc, giúp đỡ. Đặc biệt, Dự án RoK - ASEAN do Chính phủ Hàn quốc tài trợ cho RECAS thực hiện trong 9 năm (2003-2012) chia 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 năm. Giai đoạn I (2003 - 2005) thực hiện ở 11 phường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội và 3 xã thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương). Dự án RoK - ASEAN đã đào tạo được 125 tình nguyện viên để chăm sóc tại nhà cho 109 người cao tuổi nghèo, neo đơn.
Nhận xét về phương pháp chăm sóc tại nhà thông qua tình nguyện viên, các cụ đều có chung một cảm nhận là họ được cộng đồng quan tâm hơn, đã giảm bớt mặc cảm, tự ti và nỗi cô đơn. Cụ Mạc Thị Thiện (82 tuổi) ở xã Tân Dân và cụ Mạc Thị Đạo (67 tuổi) ở xã Đồng Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương khi thấy tình nguyện viên đến thăm hỏi thì vui vẻ nói rằng: “Trước đây tôi buồn chán lắm, chỉ muốn chết nhưng bây giờ tôi thấy vui và mong được sống lâu hơn”. Hay như cụ Trần Thị Tư, 68 tuổi, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội bị đau xương khớp, sức khoẻ yếu, đã tâm sự: “Chồng tôi chết từ lâu, hiện giờ tôi sống một mình nhờ có các bác tình nguyện viên đến trông nom, săn sóc, tôi cảm thấy bớt cô đơn và thấy mình như khỏe ra. Tôirất cảm ơn Hội Chữ thập đỏ”.
Một số tình nguyện viên ở các xã An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân (huyện Chí Linh, Hải Dương) và các phường Láng Hạ, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội) đồng thời là cán bộ các đoàn thể địa phương, khi biết các trường hợp người cao tuổi khó khăn thuộc diện được nhận trợ cấp xã hội của Nhà nước đã có những tác động với chính quyền địa phương để giúp các cụ nhanh chóng được hưởng chế độ ưu đãi này. Một số tình nguyện viên khác nguyên là cán bộ y tế địa phương cũng đã tự nguyện đưa các cụ đi phẫu thuật đục thuỷ tinh thể, giúp các cụ nhìn thấy lại ánh sáng.
Điển hình nhất là tình nguyện viên Nguyễn Thị Bước ở thôn Bờ Dọc, xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương đã dành thời gian, công sức và tiền bạc đưa cụ Mạc Thị Chín đi bệnh viện để mổ đục thủy tinh thể. Vui mừng khi lại được nhìn thấy ánh sáng, cụ đã xúc động nói: “Tôi không được may mắn có con như những người phụ nữ khác để nương tựa lúc tuổi già, nhưng không ngờ đến cuối cuộc đời, tôi lại có một người con gái thảo hiền như Bước”. Lời nói giản dị, chân thành từ đáy lòng của cụ Chín đã động viên chị Bước cũng như nhiều tình nguyện viên khác có thêm động lực và càng nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với người cao tuổi.
Cho đến nay, với mô hình Tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại nhà do RECAS khởi xướng, phối hợp và phát triển đã xây dựng được một đội ngũ lên tới 1.992 tình nguyện viên chăm sóc, hỗ trợ cho 2.310 người già cô đơn không nơi nương tựa hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 13 tỉnh, thành trong cả nước. RECAS cũng đã tổ chức biên soạn nhiều tài liệu, in thành sách để hướng dẫn người cao tuổi những hiểu biết cơ bản về tâm sinh lý, về tập luyện để tự chăm sóc sức khỏe, giữ được tự chủ và độc lập trong tuổi già; biên soạn sổ tay, cẩm nang đào tạo tình nguyện viên và nhân viên chăm sóc tại nhà.
Có thể khẳng định rằng, hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại nhà thông qua đội ngũ tình nguyện viên đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an toàn cho những người già cô đơn không nơi nương tựa; xây dựng tinh thần tương thân, tương ái; thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình nghĩa họ hàng; đem lại nguồn an ủi, động viên to lớn cho những người già khó khăn yếu thế.
Bước sang giai đoạn 2 và 3 của mô hình chăm sóc người cao tuổi tại nhà bởi tình nguyện viên (dự án RoK - ASEAN, giai đoạn 2006 - 2012), RECAS đang phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chính quyền, đoàn thể các địa phương tiếp tục đào tạo và phát triển mạng lưới Tình nguyện viên có kiến thức và kỹ năng chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi tại nhà.
Với mong muốn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho lớp người cao tuổi đã cống hiến và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, RECAS hy vọng trong thời gian tới, Mô hình tình nguyện viên chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi - một mô hình thích hợp, hiệu quả sẽ sớm được nhân rộng với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều bộ, ngành và các đoàn thể khác trong xã hội.
Nguyễn Thị Ngọc Trai
Trung tâm trợ giúp và hỗ trợ người cao tuổi và phát triển cộng đồng( cascd.org.vn)