Khả năng làm tốt việc này hay việc khác luôn là bẩm sinh, dẫu trong cuộc sống, con người bằng ý chí và lao động có thể tạo thêm cho mình những năng lực khác nữa. Và theo nhiều nhà khoa học, để lựa chọn đúng sở trường, chúng ta nên nhìn vào đầu ngón tay mình xem những đường vân tay bẩm sinh như thế nào.
Theo tạp chí Nga Itogi, cách đây vài năm, các nhà khoa học nước này chuyên nghiên cứu về da người đã thực hiện thành công một phát minh quan trọng: hóa ra là trong đường vân tay của mỗi người đều chứa đựng mã di truyền của họ. Điều này có nghĩa là dựa vào đường vân tay, các nhà khoa học có thể phát hiện hoặc chẩn đoán những căn bệnh khác nhau có nguồn gốc di truyền. Hiện nay các nhà khoa học Nga đã tiến thêm được không chỉ một bước nữa theo hướng này và họ khẳng định rằng, nhìn vào đường vân tay, họ có thể xác định được các phẩm chất trí tuệ đạo đức của con người và thậm chí còn có thể chỉ ra được lĩnh vực mà chúng ta sẽ đạt được thành công nếu đầu tư thỏa đáng công sức. Trong tương lai gần, những công trình lý thuyết theo hướng nghiên cứu này có thể sẽ được áp dụng rộng rãi trong thực tế.
Phóng viên của tạp chí Itogi đã tới khoa các Hệ thống kỹ thuật y học sinh học thuộc Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman và chỉ trong vòng ba phút, các chuyên gia ở đây đã xem xét xong đường vân tay của anh và chẩn đoán:
"Đặc tính chủ đạo của anh là sức chịu đựng tốt cả về tinh thần lẫn thể chất, anh có thể thực hiện bất cứ công việc nào một cách lâu dài và quyết liệt. Nhưng dẫu sao anh nên ghi lại tất cả những thông tin đã biết vì trí nhớ của anh thuộc dạng hơi máy móc và các liên hệ trong đầu anh không được giữ lại bền lâu. Khả năng định vị nội tâm của anh rất khá, cho phép dễ dàng sắp xếp trật tự lại các ý nghĩ và trình bày chúng một cách dễ hiểu đối với xung quanh.
Anh có khả năng thực hiện một công việc phức tạp trong những tình huống bất thường. Anh không phải là nhà chiến lược và khó có thể trở thành một quan chức lớn, tối đa là anh có thể điều hành có hiệu quả một tập thể chín mười người. Anh không thích hợp với những tập thể đông người, trong đám đông anh sẽ cảm thấy bất tiện. Nếu anh định chuyên về thể thao thì anh có thể sẽ thành công trong môn bơi lội hoặc chèo thuyền...".
Theo lời phóng viên tạp chí Itogi, những nhận xét này quả thực rất gần với sự thật của đời anh mặc dù tác giả của những nhận xét đó mới chỉ gặp anh lần đầu và chỉ dựa trên đường vân tay anh mà "bói".
Nhìn nhận một cách công bằng, đó không phải là "bói" vu vơ mà là một hoạt động có cơ sở khoa học. Về mặt nguyên tắc môn khoa học đã biết rằng, các đường vân tay hình thành ở con người khi còn là bào thai trong bụng mẹ, ở tháng mang thai thứ ba. Cũng ở trong thời điểm đó từ một lá cùng với da cũng hình thành hệ thống thần kinh và hệ thống nội tiết.
Có lẽ chính những cái đó là các nhân tố chủ yếu quy định việc chúng ta lớn lên thế nào, phát triển thế nào, có thể học những gì và những gì khó có thể học.
Tất nhiên, đây mới chỉ là giả thuyết thôi nhưng xuất phát từ chính giả thuyết này, các nhà khoa học ở Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman đã đưa ra lý giải rằng, những đường vân tay là các chỉ báo về những đặc điểm của hệ thống hình thành các phản xạ, trong đó có cả những phản xạ trong quá trình học tập và vì thế, quy định các khả năng của con người: sở trường, sở đoản, dạng trí nhớ...
Tiếp theo sẽ phải xác định, những dấu hiệu cụ thể nào của các đường vân tay thể hiện các đặc điểm của hệ thống phản xạ. Để thực hiện các nghiên cứu này cần các số liệu thống kê. Tại Nga, các số liệu thống kê đó được cung cấp bởi phòng thí nghiệm nhân chủng học, hình thái học và di truyền học thể thao thuộc Viện nghiên cứu khoa học Thể dục thể thao toàn Nga (VNII), nơi chuyên nghiên cứu các vận động viên thành tích cao.
Ngoài các đo đạc khối lượng, chiều cao và dung lượng cơ bắp, các nhà khoa học ở đây còn nghiên cứu cả đường vân tay của các vận động viên thành tích cao. Kết quả là đã xác định được mối liên hệ chặt chẽ và rõ ràng giữa đường vân tay với các thành tích thi đấu của các vận động viên thể thao.
Các nhà khoa học đã kiểm tra và kết luận rằng, phương pháp này không chỉ thích hợp với riêng các vận động viên mà còn có thể áp dụng với cả những người bình thường, không liên quan tới các sức ép thể lực lớn.
Một lần nhân viên của Trung tâm phân tích thuộc Bộ Nội vụ LB Nga đã mang tới cho các nhà nghiên cứu sơ đồ bàn tay của ba tên tội phạm và yêu cầu thử xác định giúp, kẻ nào trong số này đóng vai trò gì trong nhóm đó? Các nhà sinh học đã xác định được đúng tên cầm đầu và hai tên tay sai. Các cảnh sát hình sự đã rất ngạc nhiên trước việc này, bởi lẽ, để xác định được như thế, họ đã phải mất rất nhiều công điều tra và thẩm vấn các tên tội phạm.
Kỹ nghệ xác định các phẩm chất tâm lý và chuyên môn rất phức tạp. Các nhà khoa học hiện đã hệ thống được 39 dạng đường vân tay, xếp thành bốn nhóm chính: vòng cung, vòng quai, vòng xoáy và họa tiết hình chữ S.
Để xác định những đặc điểm điển hình của con người, chuyên gia sẽ phân tích hoa văn trên từng ngón tay và tập trung tất cả những dữ liệu, sẽ vẽ nên chân dung tâm lý của đối tượng mà trong đó không chỉ số lượng loại đường vân tay này hay đường vân tay khác mới có ý nghĩa mà cả yếu tố vân tay nào ở trên ngón tay nào cũng đóng vai trò quan trọng.
Thí dụ, nếu đối tượng thuộc dạng lãnh đạo điển hình, nóng tính, giàu cảm xúc thì đường vân tay thường là vòng quai. Các cấp phó của những ông sếp như thế thường là "giáo chủ xám", có thiên hướng thích thu thập và phân tích thông tin. Đường vân tay của những người này thường là những hoa văn phức tạp - vòng xoáy hay hình chữ S...
Nếu trên các ngón tay có nhiều vòng quai thì đó là người có khả năng phối hợp làm việc, tư duy một cách bình thường và về mặt cảm xúc rất vững chãi. Anh ta không chịu tác động mạnh của những sự diễn ra xung quanh. Đối với anh ta điều chính yếu là mục tiêu đã đặt ra. Anh ta ý thức được rằng anh ta có thể đạt được mục tiêu đó.
Giáo sư Igor Spiridonov thuộc Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman khẳng định rằng, phân tích các vân tay có thể nhìn nhận ra trong con người thiên hướng của một kỹ sư giỏi hay một nhà quản lý bán hàng lý tưởng.
Đối với những ai làm công tác cán bộ, phương pháp này quả là quý giá. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tập hợp và so sánh các dữ liệu về đường vân tay của một nhóm người, có thể nhìn thấy trước việc họ có thể cộng tác với nhau được hay không trong một tập thể và mức độ hiệu quả của sự hợp tác đó.
Trong thực tế ở Nga, phương pháp xác định nhân thân qua vân tay như trên đã bắt đầu được áp dụng ở một số công ty. Aleksey Tsapplin, Giám đốc điều hành một trong những công ty tư vấn lớn ở Nga cho biết: "Sau khi nghiên cứu các đường vân tay của ứng cử viên xin việc làm sẽ lập ra sơ đồ sinh học của anh ta.
Trong đó chỉ rõ những sở thích và nhu cầu nào được thể hiện rõ ở người này, công việc nào được anh ta thích nhất - làm doanh nhân hay nhà quản lý, làm công tác hành chính hay phân tích tình hình, làm chuyên gia hay người điều hành chung, làm nhà cải tiến hay người kết nối... Một sơ đồ đặc biệt khác cũng thể hiện, hoạn lộ nào thích hợp nhất với anh ta: nghiên cứu lý thuyết hay kinh doanh trong thực tế, làm công tác chuyên môn hay làm công tác quản lý...".
Trong sơ đồ sinh học sẽ chỉ ra cả việc, đối với ứng cử viên tìm việc đó cái gì quan trọng hơn, lơi ích cá nhân hay lợi ích công ty, liệu anh ta có thể phát huy được hiệu quả tốt trong tập thể hay làm đơn lẻ tốt hơn...
Trong sơ đồ đó cũng có tính tới ảnh hưởng của rượu đối với ứng cử viên tìm việc: hoá ra là một số ông chủ cũng muốn biết việc uống rượu làm cho cán bộ của họ trở nên say sưa hay ngược lại, giúp trở nên thư giãn...
Tiếp theo, sơ đồ tâm lý của ứng cử viên xin việc được so sánh với các dữ liệu của những cán bộ đã thể hiện tốt trong công ty ở những cương vị nhất định. Nếu các sơ đồ đó tương đồng với nhau thì ứng cử viên tìm việc ấy sẽ được nhận vào làm. Cũng theo lời ông Tsaplin, "độ chính xác của phương pháp tuyển người dựa trên đường vân tay đúng tới hơn 80%!".
Tuy nhiên, nếu quả thực là như vậy thì ở đây sẽ nảy sinh ra một vấn đề: mọi sự đều do thiên định cả và như văn hào Maxim Gorky từng viết, kẻ nào được sinh ra để bò thì không bao giờ cất được cánh bay? Cho tới bây giờ khoa học chính thống vẫn khẳng định rằng, những phản xạ có điều kiện được coi là có điều kiện vì chúng hình thành dưới tác động của các yếu tố bên ngoài.
Việc nghiên cứu các đường vân tay, về phần mình lại chỉ rõ những khả năng được coi là thiên phú đã hình thành và được thể hiện như thế nào. Và theo đó, một người sinh ra để là phi công thì không thể trở thành một chuyên gia phân tích tốt? Các nhà khoa học ở Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman khẳng định rằng, đúng là như vậy!
Tuy thế, họ cũng kêu gọi không nên bi quan quá: "Ai cũng có thể và ai cũng cần phải trở thành chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực nào đó. Hơn nữa, nếu ai đó được sinh ra để làm họa sĩ thì chắc gì anh ta đã thích trở thành nhà toán học, ngay cả nếu như cha mẹ anh ta rất muốn điều đó...".
Các nhà khoa học cho rằng, con người sở dĩ có được trí tuệ là để tìm đường một cách sáng tạo đi tới mục tiêu của mình. Nếu một số người này phá cửa để ra thì một số người khác lại tìm cách khác để mở cửa mà ra. Và kết quả là như nhau.
Các nhà khoa học cũng nhắc nhở rằng, chỉ trông chờ vào các phản xạ bẩm sinh thôi thì chưa đủ. Bởi chúng ta còn cần phát hiện ra trong mình những khả năng tiềm ẩn sâu sắc hơn.
Nếu không có ý chí và những người thầy giỏi thì ngay cả một người sinh ra để làm thiên tài cũng chưa chắc đã thể hiện được hết những khả năng thiên phú của mình. Thậm chí những khả năng thiên phú to lớn có thể sẽ gây họa cho chính người sở hữu chúng và cả xung quanh nếu ta không cố gắng thể hiện chúng ra một cách đúng đắn.
Vietbao (Theo: tintuconline.vietnamnet.vn)